fbpx
Diep An Nhi

Phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết! Bệnh nào nguy hiểm hơn?

02/06/2023 16 Xem

Sốt phát ban và sốt xuất huyết là hai bệnh lý khác nhau tuy nhiên lại có những biểu hiện tương đồng. Do đó, ba mẹ dễ nhầm lẫn dẫn đến theo dõi và chăm sóc trẻ không đúng cách. Vậy hãy cùng trang bị thêm kiến thức phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết qua bài viết sau để có hướng chăm sóc và điều trị cho trẻ đúng cách.

Tổng quan bệnh sốt phát ban và sốt xuất huyết

Bệnh sốt phát ban

Hình ảnh trẻ bị sốt phát ban
Hình ảnh trẻ bị sốt phát ban

Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, phần lớn là trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi vì lứa tuổi này có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công.

Sốt phát ban thường do virus gây ra mà đa số là những virus đường hô hấp như Herpes 6 hoặc 7. Người bị sốt phát ban thường sốt cao, nổi ban đỏ, ngứa ngáy và khó chịu.

Bệnh có tính chất lây truyền khi tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của người bệnh hoặc từ giọt bắn virus khi người bệnh ho, sổ mũi hoặc hắt hơi.

Nếu trẻ thường xuyên đến những nơi đông đúc như trường học, nhà trẻ sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.

Bệnh sốt xuất huyết

Trẻ bị sốt xuất huyết nặng được chăm sóc tại viện
Trẻ bị sốt xuất huyết nặng được chăm sóc tại viện

Sốt xuất huyết là bệnh lý thường xảy ra ở những vùng khí hậu nhiệt đới và cao điểm nhất là mùa mưa – mùa sinh sản của muỗi.

Sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương và xuất huyết.

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra nhờ muỗi vằn là trung gian truyền virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, sốt xuất huyết được chia thành 2 nhóm không biến chứng. Biến chứng nặng gồm: suy tim, suy thận, sốc, hôn mê, xuất huyết não,…

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết nặng, giảm huyết áp đột ngột gây trụy tim mạch và tử vong.

Sốt phát ban và sốt xuất huyết đều là 2 bệnh lý dễ lây lan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên cách điều trị và phòng ngừa 2 bệnh này có nhiều điểm khác nhau.

Vì vậy, bạn cần phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết một cách chính xác để điều trị bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân gây bệnh của sốt phát ban và sốt xuất huyết

Bệnh sốt phát ban

Đa số sốt phát ban đều do virus gây ra
Đa số sốt phát ban đều do virus gây ra

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sốt phát ban 70 – 80% là do virus, trong đó nhóm virus hô hấp chiếm đa số và các nguyên nhân điển hình sau đây.

Virus Herpes 6,7

Phần lớn người bị sốt phát ban đều do 1 trong 2 chủng virus là Herpes 6 hoặc 7.

Loại virus này có khả năng lây lan nhanh chóng thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của họ.

Vì vậy, đa số trẻ bị sốt phát ban đều trong độ tuổi đến trường hoặc đi nhà trẻ, dễ dàng tiếp xúc tác nhân gây bệnh.

Virus Sởi

Virus Sởi xâm nhập vào cơ thể, trẻ bắt đầu sốt và sốt giảm nhẹ khi có sự xuất hiện của các vết ban.

Những nốt ban đỏ của sởi có vết sần đặc trưng, xuất hiện từ sau tai lan lên mặt rồi xuống phần dưới của cơ thể. Trẻ bị sốt phát ban do sởi có thể bị đỏ mắt, ho và chảy nước mũi.

Sau khi những nốt ban bay đi thì sẽ xuất hiện vết thâm, tạo nên đặc trưng vằn hổ trên người trẻ.

Virus Rubella

Trẻ có thể bị sốt phát ban do sự tấn công của virus Rubella.

Thông thường, cơn sốt do Rubella sẽ kéo dài 3 ngày sau đó các vết phát ban lan rộng từ mặt đến chân.

Những nốt phát ban này thường có màu nhạt, dày đặc nên được gọi là sốt ban đào.

Chấy, rận, bọ chét

Bên cạnh những tác nhân trên, trẻ có thể bị sốt phát ban do nhiễm khuẩn từ vết cắn của các loại côn trùng nhỏ như bọ chét, rận.

Những loại côn trùng trên thường ký sinh trên các động vật như chó, mèo, những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Và vết cắn khiến trẻ bị ngứa, có xu hướng gãi, tạo ra vết thương hở khiến vi khuẩn gây sốt phát ban di chuyển vào máu.

Bệnh sốt xuất huyết

Hình ảnh muỗi vằn mang virus gây sốt xuất huyết
Hình ảnh muỗi vằn mang virus gây sốt xuất huyết

Không có nhiều nguyên nhân gây bệnh như sốt phát ban, sốt xuất huyết chỉ có 1 tác nhân gây bệnh là virus Dengue.

Tuy nhiên, virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4 và ở Việt Nam lưu hành cả 4 chủng này. Khi bạn bị sốt xuất huyết do 1 chủng gây ra thì vẫn có thể mắc bệnh do 3 chủng còn lại ở lần tiếp theo.

Nguyên nhân lây lan dịch sốt xuất huyết chủ yếu là do muỗi cái Aedes hay còn được gọi là muỗi vằn.

Loài này truyền bệnh qua vết đốt, trong nước bọt của muỗi cái có mang virus sẽ truyền vào máu gây sốt xuất huyết. Muỗi Aedes có thể mang virus từ 8 đến 11 ngày và thời điểm muỗi hoạt động hút máu người nhiều nhất là sáng sớm và chiều tối.

Dấu hiệu mắc bệnh của sốt phát ban và sốt xuất huyết

Bệnh sốt phát ban

Hình ảnh ban đỏ do sốt phát ban
Hình ảnh ban đỏ do sốt phát ban

Đối với sốt phát ban, trẻ thường sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 38 – 39 độ C sau khoảng 1 tuần nhiễm virus kèm theo các biểu hiện như:

Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, khó chịu, chán ăn.

Đau họng, ho, chảy nước mũi, sưng hạch bạch huyết ở phần cổ.

Các nốt phát ban nổi lên sau cơn sốt, thường bắt đầu với các đốm nhỏ, đỏ hoặc sưng lên, có những đốm có vòng trắng bao quanh.

Những nốt phát ban sẽ lan rộng từ mặt xuống cổ, ngực và các phần dưới cơ thể.

Nếu trẻ phát ban do virus Sởi thì những vết phát ban sẽ nổi lên bề mặt da, dạng nốt sần, mất đi thường có những vết thâm dạng như vằn hổ.

Sốt phát ban do virus Rubella thường dày và có màu nhạt kèm theo sưng hạch sau tai, cổ, thường được gọi là nốt ban đào.

Bệnh sốt xuất huyết

Hình ảnh nốt sốt xuất huyết
Hình ảnh nốt sốt xuất huyết

Triệu chứng sốt xuất huyết tương tự cảm cúm, sau khi nhiễm virus từ 7 – 10 ngày, người bệnh bắt đầu sốt cao, nhiệt độ có thể tăng lên tới 39 – 40 độ C trong vài ngày cùng với:

  • Buồn nôn, nôn, đau rát họng, đau hốc mắt, đỏ mắt.
  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau đầu và đau nhức cơ bắp, đau khớp.
  • Hết sốt nổi mẩn đỏ ở người lớn và trẻ em, ban đỏ có thể li ti hoặc là các vết xuất huyết lớn dưới da.
  • Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có thể đi ngoài ra phân đen.

Nếu sốt xuất huyết chuyển biến nặng, bệnh nhân có thể đi tiểu rất ít, hạ huyết áp, sốc do mất máu, thậm chí là hôn mê.

Ngoài những triệu chứng trên, bạn có thể phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết bằng cách dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ cùng bên căng vùng da tại nốt phát ban. Nếu chấm đỏ mất đi, buông tay thì khôi phục ngay thì là sốt phát ban. Còn nếu sau khi căng da vẫn thấy chấm nhỏ li ti thì là chấm đỏ sốt xuất huyết.

Phòng ngừa bệnh sốt phát ban và sốt xuất huyết

Giữ gìn vệ sinh và nâng cao đề kháng là biện pháp phòng ngừa hữu ích cho sốt phát ban và sốt xuất huyết
Giữ gìn vệ sinh và nâng cao đề kháng là biện pháp phòng ngừa hữu ích cho sốt phát ban và sốt xuất huyết

Sốt phát ban và sốt xuất huyết có thể xuất hiện vào bất cứ mùa nào trong năm, bạn có thể theo dõi những biện pháp phòng ngừa 2 bệnh trên để giữ gìn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

  • Phòng ngừa bằng cách cho trẻ tiêm vacxin đầy đủ nếu có.
  • Luôn giữ nhà cửa ngăn nắp, thoáng mát, sạch sẽ, tránh ao tù nước đọng để muỗi không sinh sôi, phát triển.
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Luôn giăng màn trước khi đi ngủ để tránh bị muỗi đốt lây truyền sốt xuất huyết.
  • Không sử dụng chung đồ cá nhân với người khác cũng như hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Hạn chế tối đa đến những vùng đang có dịch sốt phát ban và sốt xuất huyết.
  • Tránh để trẻ vui chơi ở khu ẩm ướt, gần bụi rậm vì những nơi này nhiều vi khuẩn cũng như côn trùng.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của gia đình, đảm bảo cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng và Vitamin giúp nâng cao đề kháng cho trẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về sốt xuất huyết cũng như sốt phát ban mà chúng tôi muốn cung cấp đến bạn. Mong rằng qua bài viết bạn đã biết cách phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết và phòng ngừa sao cho hiệu quả.

Xem thêm: