Cách tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi tại nhà là kỹ năng không phải mẹ nào cũng thuần thục. Khi tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần thận trọng trong quá trình tắm cho bé.
Với trẻ 1 tháng tuổi còn rất non yếu và thời điểm này trẻ cũng chưa rụng rốn nên khi mẹ tắm cho con, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng xấu cho bé. Sau đây, Diệp An Nhi sẽ hướng dẫn mẹ các bước tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi và những lưu ý khi tắm cho bé nhé.
Thời gian thích hợp để tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Mẹ có thể tắm cho bé vào bất cứ lúc nào cảm thấy thuận tiện. Nhưng tốt nhất vẫn nên tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi vào lúc có ánh nắng mặt trời: vào mùa hè, 10h – 11h sáng hoặc 15h – 16h giờ chiều; vào mùa lạnh, 10h – 10h30 sáng hoặc 14h – 15h chiều. Sau 16h chiều là thời điểm mà nhiệt độ bắt đầu hạ thấp dễ khiến trẻ bị viêm phế quản vì vậy mà không nên tắm cho bé vào khoảng thời gian này.
Có một điều mà mẹ nên chú ý: trẻ nhỏ thường cảm thấy buồn ngủ sau khi tắm xong, do đó, mẹ nên rèn cho bé một thói quen theo trình tự: tắm – bé bú mẹ – ngủ.
Làn da của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi còn khá yếu, mỏng manh, vì vậy bạn không nên để trẻ ngâm nước quá lâu. Theo các chuyên gia, với các bé sơ sinh mẹ chỉ nên cho các con tắm từ 4 – 5 phút/lần; khi bé được ngoài 3 tháng tuổi, mẹ có thể cho con tắm trong tối đa là 10 phút.
Như thế sẽ giúp da trẻ không bị khô, trẻ cũng không bị mất thân nhiệt. Ngoài ra, tùy theo tình hình thời tiết nóng hay lạnh và sức khỏe của bé để mẹ quyết định cho bé tắm nhanh hay lâu.
Làn da của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi còn khá yếu, mỏng manh, vì vậy bạn không nên để trẻ ngâm nước quá lâu
Cần chuẩn bị những gì trước khi tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi?
Để việc tắm cho con diễn ra một cách dễ dàng nhất, mẹ nên chuẩn bị trước những vật dụng sau đây:
Thau tắm cho bé: Để tránh trường hợp mẹ bị trượt tay khi tắm cho bé, mẹ nên chọn loại thau tắm phù hợp với độ tuổi và vóc dáng của con. Mẹ có thể ưu tiên những loại thau tắm bé có thiết kế đặc biệt để bé có thể nửa nằm nửa ngồi một cách an toàn.
Khăn tắm: Nên chọn loại khăn lông mềm, làm bằng sợi tự nhiên. Đặc biệt, mẹ nên lưu ý tránh những sợi vải thừa trên khăn vì chúng có thể chạm, móc vào da của bé.
Sữa tắm cho bé: Nên chọn những loại dành riêng cho trẻ sơ sinh, ít bọt, ít mùi hương để tránh gây kích thích da của bé. Trên thực tế, mẹ có thể tắm cho con bằng nước ấm và không cần sử dụng bất kỳ một loại sữa tắm nào.
Vật dụng khác như khăn sữa, tăm bông, bông y tế, cồn 70 độ, quần áo, vớ tay chân… Mẹ nên chuẩn bị sẵn để khi bé tắm xong có thể sử dụng ngay, tránh cho con bị cảm lạnh.
Để việc tắm cho con diễn ra một cách dễ dàng nhất, mẹ nên chuẩn bị trước những vật dụng cần thiết
Cách tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi tại nhà
Các mẹ hãy tuân thủ đầy đủ 8 bước tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi tại nhà:
Trước khi tắm, mẹ nên đặt một chiếc khăn trong thau tắm, để tránh trượt. Với những thau được thiết kế đặc biệt, mẹ có thể bỏ qua thao tác này.
Đổ nước vào thau tắm, theo thứ tự nóng trước lạnh sau. Chú ý nước tắm cho con phải đủ ấm, nhưng không được quá 38 độ C.
Bắt đầu rửa mặt cho bé bằng một miếng bông gòn thấm nước ấm. Dùng bông lau sạch mí mắt, khóe mắt bé theo hướng từ trong ra ngoài.
Dùng tăm bông vệ sinh tai của bé. Lưu ý chỉ vệ sinh vành tai, không đưa tăm bông vào sâu trong tai con.
Dùng khăn sạch nhúng nước lau nhẹ các bộ phận trên cơ thể, bắt đầu từ mặt đến chân. Lau kỹ những vùng da có nếp gấp như cổ, nách, kẽ ngón tay, chân, hai bên bẹn, vùng kín, hậu môn…
Nếu muốn gội đầu cho bé, mẹ cho con vào thau theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, vòng hai tay sau lưng giữ chặt nách và cánh tay. Dùng một tay đỡ đầu, vai, gáy của con, tay kia xoa nước lên đầu con. Lưu ý tránh để nước vào mắt, tai bé.
Sau khi tắm, dùng khăn lau khô đầu, mình của con. Mẹ có thể dùng phấn thoa qua những vùng da có nếp gấp, và bôi dầu khuynh diệp lên phần ngực, mỏ ác, lưng của bé.
Kết thúc “quy trình”, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi và tai của bé.
Cách chăm sóc rốn sau khi tắm cho trẻ sơ sinh
Rốn bé là một bộ phận nhạy cảm, các mẹ cần đặc biệt chăm sóc vùng rốn cho bé, đặc biệt là các bé mới sinh như sau:
Dùng bông gòn thấm nước lau sạch rốn, sau đó tiếp tục dùng bông gòn khô thấm khô cuống rốn và chân rốn.
Sử dụng cồn 70 độ sát trùng da quanh rốn của bé
Băng rốn cho bé bằng một lớp gạc mỏng, vô trùng. Hoặc nếu muốn, mẹ có thể để hở rố.
Mẹ luôn nhớ phải rửa tay thật kỹ trước khi chăm sóc rốn cho trẻ. Việc rửa tay không kỹ có thể mang tới hậu quả không tốt là rốn của trẻ dễ bị vi trùng xâm hại.
Trước khi cuống rốn khô và rụng khỏi rốn, mẹ hãy chú ý giữ tã của bé che hờ phần rốn và bụng để tránh bất cứ điều gì có thể va chạm tới phần rốn. Mỗi khi bạn thay một tã mới, gấp tã ở phía trên để đảm bảo rằng rốn không bị trầy xước da và lưu thông không khí.
Mẹ cần lưu ý khi tắm cho trẻ, tuyệt đối không ngâm cuống rốn của trẻ trong khi tắm. Kể cả khi tắm cho trẻ, bạn cũng cần giữ cho cuống rốn của trẻ luôn được khô ráo.
Rốn bé là một bộ phận nhạy cảm, các mẹ cần đặc biệt chăm sóc vùng rốn cho bé
Những lưu ý cần biết khi tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Một số lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi các mẹ cần biết:
Tắm cho bé trong phòng kín gió, nhiệt độ phòng khoảng 28-30 độ C.
Mẹ phải cắt móng tay gọn gàng và rửa tay bằng xà phòng trước khi tắm cho bé.
Tránh tắm cho trẻ sơ sinh quá lâu, mỗi lần chỉ nên tắm bé khoảng 5 phút.
Không nên đổ nhiều nước trong thau tắm, mực nước trong thau ở khoảng 5-8 cm là ổn.
Tuyệt đối không nên để bé một mình trong khi tắm dù chỉ 1 giây.
Không nên tắm sau khi bé vừa bú no.
Tắm cho bé trước khi bú sẽ giúp bé ăn ngon miệng và ngủ ngon hơn.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổikhông quá khó, chỉ cần mẹ chú ý đến cách bế con khi tắm cũng như tránh va chạm đến chiếc rốn chưa rụng của bé là được. Khi tắm cho con, mẹ cũng nên nói chuyện với trẻ để bé cảm thấy thoải mái và thích thú khi được mẹ tắm. Diệp An Nhi chúc cho mẹ và bé luôn được thoải mái mỗi khi đi tắm nhé.