Tắm bằng lá từ lâu đã được các mẹ truyền tai nhau để phòng ngừa các bệnh ngoài da cho bé. Ở quanh ta, có rất nhiều loại lá thuốc có tác dụng làm sạch, sát khuẩn, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, chống sưng, thanh nhiệt lành tính mà bạn có thể tắm cho bé. Bản tin an lành số 2 của Diệp An Nhi sẽ cùng bạn tìm hiểu nguồn gốc, tác dụng và cách sử dụng 3 bài thuốc tắm lá phổ biến: Chè xanh, Sài đất và tinh dầu Tràm gió.
Tắm thảo dược đã phổ biến trong dân gian từ bao đời nay và người ta học được điều này ở người La Mã và Hy Lạp nguyên thủy. Họ tắm thảo dược không chỉ vì công dụng chữa bệnh mà còn vì các thảo dược có công dụng làm đẹp. Điều đáng nói ở đây chính là ngoài việc tăng sức mạnh thể chất, tắm thảo dược còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần. Tắm thảo dược làm giảm stress và giúp thư giãn đồng thời, giúp phục hồi năng lượng và trí nhớ.
Các bài tắm thảo dược không những chỉ phát triển ở Việt Nam, mà nó tồn tại và phát triển từ các nước khác trên thế giới từ rất lâu đời. Tắm bằng thảo dược rất tốt, nhất là khi có thời gian để ngâm tắm. Người Việt Nam cũng có nhiều thảo dược quý của riêng mình và cũng giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da. Đặc biệt là các bài tắm lá giúp làm mát cơ thể cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất tốt.
Tắm bằng lá sài đất từ lâu đã được các bà, các mẹ sử dụng để tắm cho bé vào mùa hè để chữa rôm sảy, ban đỏ. Cây sài đất thường mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, lá màu xanh hình bầu dục có lông cứng ở hai mặt và răng cưa thưa. Lá tươi khi vò ra có mùi như trám và để lại vệt màu xanh đen ở trên tay. Hoa vàng có cuống dài hơn 5cm mọc từ kẽ lá, gần giống hình dáng hoa đồng tiền. Nhiều nơi thường gọi là húng trám vì có thể ăn như rau húng.
Theo Đông y, Sài đất có vị đắng, hơi cay, tính mát. Sài Đất có tác dụng giải độc, tiêu viêm, kháng khẩn giúp loại bỏ mụn mủ. Sài đất còn chứa nhiều saponin giúp làm sạch sâu, se khít lỗ chân lông, cân bằng độ ẩm tự nhiên cho da, giúp làm da khỏe mạnh, mịn màng.
Bởi tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng hiệu quả nên sài đất còn được dân gian gọi là thảo dược chống viêm tự nhiên. Chính vì vậy mà các bà, các mẹ vẫn đun lá để tắm cho trẻ để chữa rôm sảy. Tuy nhiên, khi mua sài đất mẹ cần phải tham khảo kỹ hình ảnh để tránh mua nhầm các cây có bề ngoài giống với sài đất như lỗ địa cúc, cỏ roi ngựa.
Lá chè xanh rất gần gũi và dễ mua hơn sài đất rất nhiều. Theo Đông y, lá chè xanh có tính mát, vị chát ngọt. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, giúp các vết thương nhanh lành. Hoạt chất EGCG cùng các tinh chất khác trong lá chè xanh (phenol, tannin) có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, thúc đẩy quá trình tái sinh cấu trúc da, tăng cường hệ miễn dịch trên da. Vì vậy lá chè xanh đun nước tắm cho bé sẽ giúp cải thiện hiệu quả hiện tượng mụn nhọt, rôm sảy, hăm da, giúp da mát mẻ.
– Bước 1: Chuẩn bị
Mẹ lấy 100g- 200g lá chè xanh tươi, ngâm với nước muối sạch rồi sau đó rửa sạch lại với vài lần nước. Nên tráng qua 1 lần nước sôi tránh lá chứa thuốc trừ sâu hoặc chất độc hại.
– Bước 2: Pha chế nước tắm
Mẹ vò nát lá rồi cho vào nồi đun cùng 1 -2 lít nước sạch, đun sôi khoảng 10 phút thì để nguội bớt rồi cho vào chậu tắm cho bé. Các mẹ nên pha loãng với nước lạnh để tắm cho bé, tránh dùng nước chè xanh quá đặc. Dùng khuỷu tay hoặc nhiệt kế để đo nhiệt độ phù hợp . Ở trẻ sơ sinh, nhiệt độ nước tắm tốt nhất là 35 – 38 độ C, có thể tùy vào thời tiết.
– Bước 3: Tiến hành tắm cho trẻ sơ sinh giống như mẹ tắm cho bé bằng nước lá sài đất. Các mẹ có thể tắm cho bé yêu khoảng 2 -3 lần/ tuần để thấy rõ hiệu quả.
Theo BS. Nguyễn Trọng Hưng, BV Da liễu Trung ương, lá chè xanh có tác dụng hiệu quả trong việc làm mát cơ thể bé. Tuy nhiên, trên thực tế không ít sai lầm khi trị rôm sảy cho trẻ khiến da bị nhiễm trùng. Nguyên nhân gây dị ứng có thể do trẻ bị mắc các bệnh về da, có tiền sử nhiễm trùng da do tắm nước pha lá cây vừa phun thuốc.
Tinh dầu Tràm gió có hương thơm dễ chịu, tính ấm nên được dùng trong nhiều sản phẩm trị ho, nước súc miệng sát khuẩn, giải cảm …Tinh dầu Tràm gió từ lâu đã được sử dụng rất rộng rãi và quen thuộc trong cộng đồng ở Việt Nam để phòng ngừa cảm mạo cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh.
Tắm cho trẻ bằng tinh dầu tràm gió đơn giản hơn việc sử dụng lá tươi. Tuy nhiên mẹ vẫn cần phải nhớ một số lưu ý để tránh làm tổn thương da bé. Mẹ có thể tắm cho bé bằng tinh dầu tràm theo các bước sau:
– Chuẩn bị phòng tắm, nước tắm ở nhiệt độ phù hợp với da bé.
– Các mẹ hãy rửa sạch tay, cắt móng tay và bỏ các đồ trang sức tránh làm xước da bé.
– Chuẩn bị quần áo, khăn tắm đầy đủ
– Sau khi pha nước tắm cho bé với nhiệt độ thích hợp, các mẹ nhỏ 5 giọt tinh dầu tràm vào chậu.
– Từ từ lau mặt và lau thân mình cho bé. Tuyệt đối không để nước tắm rơi vào mắt bé vì tinh dầu tràm sẽ gây cay mắt.
– Ngâm bé trong nước tắm có tinh dầu 1-2 phút
– Tắm xong, mẹ lau khô người cho bé bằng khăn mềm và không cần tráng lại bằng nước khác.
– Sau khi lau người, mẹ nhỏ 1 giọt tinh dầu tràm vào tay xoa cho đến khi lòng bàn tay ấm lên rồi tiến hành massage cho trẻ ở lưng, tay, chân, ngực và bôi dầu tràm ở gan bàn chân giúp bé giữ ấm và tránh gió hiệu quả.
– Mặc quần áo sạch cho bé.
Ngoài ra các mẹ không nên bôi tinh dầu tràm trực tiếp mà hãy xoa vào tay bố mẹ trước rồi mới xoa lên da bé vì da của trẻ sơ sinh rất mỏng còn khá mẫn cảm, dễ gây nóng, khó chịu cho con.
Ngoài các thảo dược và tinh dầu có trong bản tin an lành được các dược sĩ Dược Khoa giới thiệu còn rất nhiều những loại thảo dược và tinh dầu khác nữa. Các mẹ tìm hiểu và chia sẻ thêm với Diệp An Nhi nhé!