Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm và có thể lây lan rất nhanh, đặc biệt ở những nước như Việt Nam thì thường xuyên bùng phát thành dịch. Các biến chứng sốt xuất huyết gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Để hiểu rõ hơn về biến chứng sốt xuất huyết, nên tìm hiểu sốt xuất huyết đã gây ra những thay đổi gì trong cơ thể người bệnh.
Virus Dengue khi thâm nhập vào cơ thể người lành sẽ gây ra 2 thay đổi đặc trưng: tụt giảm số lượng tiểu cầu và tổn thương thành mạch. Những sự thay đổi này để lâu không kiểm soát đúng cách sẽ khiến người bệnh xuất hiện những biến chứng mà chúng tôi đã tổng hợp dưới đây.
Sụt giảm tiểu cầu gây ra rối loạn đông máu, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết trong cơ thể mà không kiểm soát được. Bên cạnh đó còn khiến người bệnh dễ xuất huyết ở những vùng niêm mạc nhạy cảm dễ bị tổn thương như chân răng hay niêm mạc mũi.
Ngoài ra, thành mạch bị tổn thương gây ra hiện tượng tăng tính thấm thành mạch, từ đó thoát dịch khỏi lòng mạch và mất máu. Lâu dần, khi mất máu nhiều bệnh nhân sẽ bị sốc.
Sốt xuất huyết gây tổn thương các mao mạch mắt, khiến các mao mạch yếu đi và gây ra xuất huyết.
Có 2 loại xuất huyết tại mắt, đều gây ra hiện tượng suy giảm thị lực, đó là xuất huyết võng mạc và xuất huyết trong nhãn cầu.
Xuất huyết võng mạc là khi các mao mạch tổn thương khiến máu tràn ra ngoài và tạo thành lớp màng che phủ một phần hoặc hoàn toàn trước võng mạc.
Phần bị lớp máu che phủ này sẽ khiến người bệnh không thể nhìn được, vì vậy hậu quả là bệnh nhân bị mù hoàn toàn, hoặc không nhìn được một phần.
Xuất huyết trong nhãn cầu là hiện tượng các mao mạch tổn thương và khiến cho máu chảy vào dịch trong suốt bên trong nhãn cầu. Phần dịch này không còn trong suốt thì mắt không thể nhìn được, vì vậy người bệnh mắc phải biến chứng này hầu như sẽ bị mù hoàn toàn.
Những biến chứng về mắt là những biến chứng nguy hiểm và chỉ có thể chữa trị khi đến bệnh viện sớm, vì thế khi có triệu chứng của sốt xuất huyết thì hãy ngay lập tức đi khám để nhận được tư vấn từ nhân viên y tế.
Xuất huyết lâu ngày không chỉ khiến bệnh nhân bị thoát hồng cầu mà còn khiến bệnh nhân mất một phần lớn huyết tương do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch.
Thể tích dịch bị suy giảm sẽ báo động đến tim để tim tăng co bóp nhằm cung cấp đủ máu cho các bộ phận cơ thể. Tim hoạt động quá sức lâu dần sẽ bị suy yếu chức năng và dẫn đến suy tim.
Lượng huyết tương thoát khỏi lòng mạch mang theo nhiều phân tử lớn, việc này sẽ làm tăng áp lực cho thận khi hàng ngày đều phải lọc lượng lớn huyết tương thoát mạch đổ về thận.
Đồng thời với việc đó, cơ thể bị suy giảm thể tích tuần hoàn nghiêm trọng khiến cho thận không nhận được đủ lượng máu mang dinh dưỡng. Vừa phải làm việc quá sức, vừa không được cung cấp đủ dinh dưỡng, thận nhanh chóng bị suy kiệt và dẫn tới suy thận.
Ở giai đoạn nhẹ của bệnh, người bệnh bị mất nước và điện giải do sốt cao khó hạ, vì vậy cần chú ý bổ sung nước và điện giải, bù lại với lượng dịch bị mất.
Tuy nhiên vào giai đoạn nặng, người bệnh sẽ được truyền dịch có những chất cao phân tử để có thể kéo dịch ngược vào trong lòng mạch, chống lại hiện tượng dịch thoát mạch.
Đồng thời cũng cần cho bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu để bệnh nhân nhanh chóng thải bớt dịch ra ngoài.
Ở giai đoạn này, nếu chỉ duy trì truyền dịch cho người bệnh mà không tăng cường đào thải dịch, thì sẽ khiến dịch ứ đọng và tràn dịch màng phổi, màng bụng.
Khi mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng, bệnh nhân dễ bị tụt huyết áp, dẫn tới những khó khăn khi bệnh nhân chuyển tư thế hoặc đi lại. Lâu hơn, huyết áp tụt khiến máu về não bị giảm và gây ra đau đầu dữ dội.
Hai biến chứng trên kèm với sự tụt giảm tiểu cầu sẽ tăng nguy cơ bệnh nhân mắc biến chứng nguy hiểm là xuất huyết não, một biến chứng gây tổn hại không hồi phục lên não và có thể dẫn tới tử vong.
Hôn mê ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể là biến chứng nguyên phát.
Khi không đào thải dịch kịp thời, dịch bị ứ trong cơ thể sẽ tràn ở các tổ chức màng các cơ quan, trong đó có thể tràn ở màng não và gây phù não cấp, khiến bệnh nhân hôn mê.
Lý do thứ hai của hôn mê ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể là biến chứng thứ cấp sau khi bệnh nhân bị suy tim cấp, suy thận cấp, sốc mất máu,…
Khi này bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn nghiêm trọng, khiến máu không đủ lên não, gây ra tình trạng thiếu oxy, sau đó bệnh nhân sẽ hôn mê do não không có đủ oxy để hoạt động.
Đây có thể coi là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới chết não và tử vong.
Phụ nữ khi mang thai sẽ có nhiều chức năng cơ thể bị suy giảm để thuận lợi cho em bé phát triển. Vì vậy khi mắc sốt xuất huyết, các mẹ bầu dễ bị xuất huyết hơn nhiều đối tượng khác.
Bên cạnh những biến chứng đã nêu ở trên, các mẹ bầu còn phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm khác như sinh non, sảy thai, tiền sản giật,…
Đặc biệt khi sẩy thai hoặc chuyển dạ, việc tụt giảm tiểu cầu sẽ khiến các mẹ bầu khó cầm được máu, dẫn đến việc mất máu nhiều và có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nặng khó hồi phục.
Vì vậy, khi phụ nữ mang thai phát hiện mình bị sốt cao khó hạ, hãy liên hệ ngay với trung tâm y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị đúng cách, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho cả mẹ và bé.
Một số lưu ý mà chúng ta nên trang bị để đối phó với căn bệnh nguy hiểm này đã được chúng tôi tổng hợp dưới đây.
Khi bệnh nhân sốt xuất huyết bị sốt cao, cần kịp thời hạ sốt cho người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc hạ sốt đang được sử dụng hiện nay đều có thể cho người bệnh sử dụng.
Người bệnh nên sử dụng Paracetamol để hạ sốt. Đối với những người bệnh có bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh về gan thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và nhân viên y tế để lựa chọn thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp.
Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Vì Aspirin gây hiện tượng máu khó đông, làm nặng thêm triệu chứng tụt giảm tiểu cầu của bệnh nhân, khiến tình trạng xuất huyết xấu hơn và dễ gây biến chứng.
Bên cạnh đó, những cách hạ sốt thủ công như lau người bằng nước ấm cũng làm dịu đi cơ sốt của bệnh nhân.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để bệnh nhân có năng lượng chống lại bệnh tật. Nên lựa chọn những thực phẩm làm tăng tiểu cầu để cơ thể nhanh chóng tái tạo lại lượng tiểu cầu đã mất.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sốt xuất huyết nên hạn chế ăn những thực phẩm khiến tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn như là: cà chua, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất béo no (như mỡ động vật), hành tây, tỏi,…
Tình trạng sốt cao khó hạ khiến cho bệnh nhân bị mất nước và điện giải nghiêm trọng, vì vậy nên chú ý uống đủ lượng nước cần thiết để bệnh nhân không bị ngất vì mất nước.
Bổ sung nước và điện giả đã mất thông qua những thực phẩm như nước cam, nước bưởi, nước dừa tươi,… Nước dừa tươi là một lựa chọn thích hợp với những người bệnh thích đồ ngọt với hàm lượng điện giải cao và dễ uống.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn bú mẹ thì cần tăng lượng sữa bé bú hàng ngày để bé được bổ sung đủ nước.